Ảnh hưởng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc

Dựa trên cơ sở là Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, Hàn Quốc bắt đầu tiến trình đàm phán xây dựng hiệp định thương mại tự do các các nước thành viên của ASEAN và Việt Nam trở thành nước thứ hai, sau Singapore,[55] hoàn thành hiệp định này, và trước một nước khác là Indonesia.[56] So với AKFTA, trong VKFTA, Hàn Quốc mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, lần đầu tiên mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm được coi là nhạy cảm cao của Hàn Quốc như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, khi mà thuế nhập khẩu của Hàn Quốc đối với những mặt hàng này rất cao từ 241–420% trước khi ký kết,[57] mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.[58] Trên thực tế, với việc ký kết VKFTA, lấy mốc là năm 2015, quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển sang một giai đoạn mới. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 26 tỷ USD, tăng lên thành 46,1 tỷ USD năm 2016,[59] Việt Nam tiếp tục là nước nhập siêu, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu gia tăng so với nhập khẩu, các mặt hàng thuộc nhóm cắt giảm thuế dẫn đầu tỷ lệ tăng trưởng như tôm (giảm từ 20% về miễn thuế), hạt điều (từ 8% về 1,8%), xoài (từ 30% về 18%). Về đầu tư, Hàn Quốc tiếp tục là nước đầu tư dẫn đầu vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn bắt đầu tiếp cận hoặc gia tăng số lượng dự án đầu tư so với thời điểm trước đó, như Samsung, LG, Doosan, các dự án tập trung vào công nghiệp chế tạo, sản xuất phục vụ xuất nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2019, trong chu kỳ thương mại thông thường trước khi diễn ra đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương tăng lên đạt 66,79 tỷ USD, FDI Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 7,92 tỷ USD.[60][61] Tiến trình thực hiện hiệp định được xem là một đóng góp lớn cho mối quan hệ giữa hai nước, góp phần giúp Việt Nam và Hàn Quốc chuẩn bị cho việc gia tăng lên thành đối tác chiến lược và toàn diện năm 2022.[62][63]

Về cơ chế phối hợp, dựa trên các điều khoản VKFTA được mở rộng, hai nước có nhiều cuộc trao đổi, hội thảo để cộng đồng doanh nghiệp nâng cao khả năng khai thác các ưu đãi của hiệp định, thống nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi.[64] Đối với cơ chế thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức tương ứng với mỗi một lĩnh vực được thành lập như Tiểu ban Hợp tác kinh tế; Hải quan; Phòng vệ thương mại; SPS; TBT; Đầu tư được duy trì. Hai bên ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập website chung về VKFTA, thành lập nhóm xử lý khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc (Viet Nam Plus – Korea Plus), Ý định thư (Letter of Intent, LOI) giữa Cục Công nghiệp Việt Nam và Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KIAT) về việc thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (TASK).[65][66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc //www.worldcat.org/issn/1859-2953 http://www.inas.gov.vn/658-quan-he-thuong-mai-dau-... http://vkfta.moit.gov.vn/Resources/hiepdinh.pdf http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... https://world.moleg.go.kr/web/tl/themaLgslReadPage... https://web.archive.org/web/20150617052328/http://... https://web.archive.org/web/20161016064240/http://... https://web.archive.org/web/20191230033417/http://... https://web.archive.org/web/20201115053718/https:/... https://web.archive.org/web/20201201122414/https:/...